Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Nadal và Federer “báo thù” Djokovic: Tìm lời giải ở công nghệ

Trong khi bí ẩn của sự thay đổi làm nên Djokovic vĩ đại trong năm 2011 vẫn chờ được giải mã, thì cả Federer và Nadal phải tìm lời giải cho thách thức: Làm thế nào để có một cuộc báo thù thành công trước tay vợt người Serbia.
Cả hai huyền thoại rõ ràng cùng có chung một mục đích, nhưng độ khó và cách thức của cả hai là không giống nhau.

Với Federer, anh đã đánh bại Djokovic ở bán kết Roland Garros và đã suýt lặp lại được điều đó ở bán kết US Open – bỏ lỡ hai match points ở set thứ năm sau khi đã thắng trước hai set đầu. Tỉ số đối đầu của Federer với Djokovic là 1-4. Nói cách khác, Federer dù thua, nhưng anh vẫn khiến đối thủ phải ngưỡng mộ pha lẫn chút kiêng dè.

Với Nadal, tỉ lệ đối đầu với Djokovic trong năm 2011 là 0-6, với bốn trận đấu gần nhất, Nadal đều thua set đầu tiên. Cũng trong chuỗi trận đó, có những lúc cả trận, hoặc set quyết định diễn ra một chiều với sự áp đảo vượt trội của Djokovic, như ở chung kết Madrid, Rome Masters, Wimbledon hay set cuối cùng tại US Open.

Nhưng trên hết, với cả hai là sự khác biệt trong lối chơi đã định hình thành phong cách, mang lại những vinh quang tột đỉnh cho họ và cho cả thế giới tennis trong suốt hơn một nửa thập kỷ đã qua.

Từ đây, hãy cùng phân tích để xem Federer và Nadal, mỗi người cần làm gì để đánh bại Djokovic.

* Federer và bài toán hồi phục ngay trong trận

Hẳn là nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao Federer sau khi giành được hai set đấu đã tuột dốc khá nhanh trong hai set sau đó và chỉ có thể mạnh mẽ trở lại ở trong set thứ năm?

Đấy chính là vấn đề về thể lực, dù thoạt nhìn sẽ thấy một tay vợt đã chơi đủ năm set ở một trong những giải đấu khốc liệt nhất, thì việc có vấn đề về sức bền hay sức mạnh là không thể.

Federer cần nâng cao thể lực

Việc bung sức để chơi tấn công và không do dự khi bị lôi vào những loạt bóng bền ở cả hai set đầu tiên kéo dài 100 phút đã khiến Federer bị hao tổn rất nhiều thể lực, nếu không muốn nói là gần như đã cạn sức.

Ở tuổi 30, Federer cần nhiều thời gian hơn để hồi phục chứ không phải chỉ là hai phút thời gian chết giữa hai set đấu hay 90 giây mỗi khi các tay vơt đổi sân (sau game đầu tiên). Chính điều đó làm ảnh hưởng tới chất lượng của cú giao bóng, tỉ lệ giao bóng một thành công của Federer trong set ba chỉ là 53%, trong khi ở set một và hai, tỉ lệ này lần lượt là 62% và 76%.

Còn khi Federer sung sức hoặc đã hồi phục tương đối, anh thi triển thứ tennis đẳng cấp như vẫn từng làm trước kia khi đối đầu với Djokovic cộng thêm những điều chỉnh chiến thuật nhỏ.

Thứ tennis xem mãi không chán của Federer ấy là những cú giao bóng khó phán đoán, tấn công với những cú thuận tay mạnh mẽ và không ngần ngại tấn công bằng cú trái một tay.

Federer càng tấn công, cơ hội chiến thắng của anh càng lớn trước Djokovic. Bởi ngay cả trong chuỗi 64 trận thắng – 3 thua của Djokovic trong năm 2011, anh luôn gặp khó khăn trước các tay vợt chơi tấn công mạnh mẽ như Davydenko, Marin Cilic (ở Rogers Cup), Del Potro (Roland Garros và Davis Cup).

Sự điều chỉnh, một nét mới của Federer và cũng làm Djokovic bối rối nhất ở trận đấu “hút chết” tại US Open, là cú cắt bóng khá ngắn, chìm để lôi tay vợt người Serbia phải di chuyển vào trong sân, rồi Federer lập tức tấn công thật sâu bằng cú bung trái hay thuận tay vào sát vạch baseline mỗi khi Djokovic đưa bóng nổi lên.

Federer có thể sẽ vẫn phát huy được lối đánh này bởi Djokovic vẫn đối chút ngần ngại tràn lưới (bởi anh tin vào khả năng chơi cuối sân của mình) sau khi bị kéo vào trong sân. Mặt khác, nó là cách để Federer tiết kiệm thể lực để dồn sức cho những loạt bóng bền mà Djokovic thích nó xảy ra thường xuyên hơn bởi phù hợp với sức trẻ.

Và thêm một điều hiển nhiên là Federer càng tránh những loạt đôi công dai dẳng càng có lợi, nhưng anh buộc phải bước vào trận đấu cùng Djokovic với tâm lý sẵn sàng tranh chấp từng điểm trong các loạt bóng bền.

Ở US Open cho thấy không cần phải thắng đa số những đường bóng bền mà chỉ cần thắng những loạt rally bản lề, Federer cũng có thể thắng các set đấu ấy. Chẳng hạn 4 trong số những loạt rally dài nhất trận (lần lượt qua các set) là 19, 26, 25 và 22 lần chạm vợt, phần thắng thuộc về Djokovic, thì Federer cũng thắng ở các loạt 22, 18 và 20 lần chạm vợt. Hoặc nếu nhìn chung cả trận đấu, tỉ lệ chiến thắng của Federer của những loạt đánh từ 9 lần chạm vợt trở lên là 49% so với Djokovic là 51%.

Cuối cùng là tâm lý. Hai match points ở US Open 2010 mất đi là do chủ quan. Hai match points ở US Open 2011 để tuột khỏi tay là kết quả của sự hồi hộp khi đứng trước chiến thắng mà đỉnh điểm của nó là cú thuận tay chéo sân đập lưới ra ngoài. Cũng giống như khi Federer thống trị thế giới, chẳng có tay vợt nào thắng được anh nếu như trong họ không có lòng tin và sự lạnh lùng cần thiết ngoài những kỹ năng, thì huyền thoại người Thụy Sĩ cũng phải làm như thế.  

Nadal: Công nghệ, y học, khối lượng tập luyện và lối chơi

Những gì Djokovic đang làm với Nadal cũng giống như Nadal làm với Federer trong suốt những năm qua, tới mức Nadal sẽ không thể quật đổ được Djokovic ở những giải đấu lớn là một nguy cơ có thực. Bởi ngay cả những điểm mạnh nhất của Nadal cũng bị Djokovic hóa giải.

Nếu như Federer chỉ có hai vấn đề phải khắc phục là tâm lý và thể lực như đã nói ở trên, thì Nadal phải giải quyết cả về kỹ thuật, lối chơi.

Nadal sẽ phải hạn chế những cú cắt bóng, để thực hiện cú trái nhiều hơn không chỉ chéo sân mà dọc dây để tạo áp lực và sự khó lường.

Nadal sẽ phải thực hiện những cú thuận tay bóng bạt (flat forehand) nhiều hơn thay vì xoáy topspin bởi Djokovic có khả năng đón bóng nhú, đè bóng siêu hạng bằng cả trái và phải.

Nadal sẽ phải né trái đánh phải quyết liệt hơn, không chỉ chéo sân mà còn dọc dây cũng để tạo nên sự khó đoán đối với Djokovic.

Nadal sẽ phải bỏ cú giao bóng xoáy hầu như không thể gây khó khăn cho Djokovic để thay thế bằng cú giao bóng đập (flat serve).

Thế nhưng, chúng ta dường như đã quên một điều rằng, tennis của Nadal xưa nay là thể lực, và tất cả dựa trên nền tảng sức mạnh, sức bền của anh. Nadal thua nhanh set thứ tư trong trận chung kết vì anh đã kiệt sức, nên khi Djokovic bắt đầu đau lưng, Nadal vẫn không thể tận dụng được điều đó.

Nadal phải thay đổi nhiều về lối chơi

Nếu Nadal muốn hạn chế tần suất cắt bóng, anh buộc phải di chuyển đủ nhanh, cho “đủ chân đủ tay” cho cú trái hai tay.

Nếu Nadal muốn thoải mái lựa chọn góc đánh cho cú né trái đánh phải, anh phải di chuyển thoải mái để lấy được tư thế hòng giấu ý đồ đánh bóng của mình.

Nếu Nadal muốn không chỉ chơi tốt trong 1 set trong 1 trận đấu với Djokovic, vẫn mạnh mẽ ở cuối trận, thì anh phải bền bỉ như người không phổi.

Nâng cao thể lực là một thách thức rất lớn với tay vợt đã chơi chuyên nghiệp đỉnh cao gần một thập kỷ (dù cho năm nay mới 25 tuổi) và đã chịu những đợt chấn thương rất nặng như Nadal. Chấn thương đầu gối năm 2009 và các vụ chấn thương cơ xảy ra rải rác trong năm 2010 – 2011 buộc anh phải giảm khối lượng tập luyện, cường độ vận động xuống mức thích hợp.

Tức là anh muốn di chuyển một cách phi thường, Nadal buộc phải tập luyện vượt ngưỡng, cơ thể sẽ phải chịu những rủi ro chấn thương.

Igor Catejovic, bác sĩ của Djokovic nói trên tờ Blic của Serbia rằng, có lẽ Nadal cũng cần một người như ông. Đó là một sự ám chỉ rằng, cơ thể của Nadal và khối lượng tập luyện của Nadal cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn nữa của khoa học, y học, mà ứng dụng công nghệ trong giai đoạn phục hồi là tối quan trọng.

Thay đổi cú giao bóng với Nadal cũng không chỉ là kỹ thuật, mà nó còn là sự thay đổi của công nghệ. Nếu như US Open 2010 là giải đấu Nadal giao bóng tốt nhất thì đó cũng chính là thời điểm anh đã làm quen với dây vợt RPM của Babolat. Sự thay đổi này tạo ra cảm giác mới đi kèm với những tính năng của công nghệ.

Và nếu như Nadal có hướng tới những cú thuận tay bóng bạt nhiều hơn, thì dây RPM hiện tại với 8 cạnh để tạo xoáy cũng không còn là sự lựa chọn tối ưu nữa. Liệu sẽ có một sáng tạo mới, một công nghề mới khởi nguồn cho một sự thay đổi nhất là khi sự hậu thuẫn của Babolat với Nadal trước nay là vô tận?

* Năm 2012 – Năm của sự thay đổi?

Cho tới lúc này, Federer đã thi đấu 13 giải mà nếu tính cả Davis Cup là 58 trận, Nadal là 15 giải (72 trận) trong khi Djokovic chỉ thi đấu 12 giải với 67 trận.

Một tay vợt trẻ hơn, sung sức hơn nhưng lại tham gia ít giải đấu hơn như Djokovic để tập trung cho những trận đấu đỉnh cao, cho những thời khắc quyết định đương nhiên chiếm ưu thế. Trong khi hai tay vợt hoặc lớn tuổi hơn, hoặc có tiền sử chấn thương nhiều hơn lại căng sức trên rất nhiều giải đấu rõ ràng đang phải trả giá.

Chặng đường còn lại trong năm nay với Nadal là 4 giải, Federer là 4 giải, còn Djokovic là 5 giải, có thể sẽ còn chứng kiến những điều chỉnh như một tiền đề cho năm 2012 mà cả Nadal và Federer cùng được dự đoán sẽ không còn căng sức tham dự gần 20 giải đấu, và dồn quá nhiều vào quãng thời gian đầu lẫn giữa năm.

Khi đó, hãy cùng chờ đợi cả Federer và Nadal trở lại để thách thức sự thống trị của Djokovic sẽ là một điều có thể.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét